ĐÔI NÉT VỀ THẦY MINH NIỆM
Thầy Thích Minh Niệm là một vị thầy tâm linh được nhiều Phật tử trong và ngoài nước mến mộ với cách chia sẻ gần gũi, hợp với số đông Phật tử, đặc biệt là giới trẻ. Thầy được đại chúng biết đến với hướng đi đặc biệt, đó là dùng thiền để chữa lành tâm hồn cho nhiều người gặp vấn đề khó khăn tâm lý.
Thời thơ ấu
Thầy Thích Minh Niệm, thế danh là Lê Quốc Triều, sinh năm 1975, tại Châu Thành, Tiền Giang. Tuổi thơ của Thầy là một bức tranh sống động của một chú bé lớn lên giữa miền quê, được khắc họa rõ nét trong tập thơ “Rung Cảm Đầu Đời”. Khi đó, cuộc sống vẫn còn thiếu thốn, cơ cực nhưng bù lại Thầy đã có được những ngày tháng sống chan hòa cùng thiên nhiên và chan chứa tình người: tình thân gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình thầy trò, tình bè bạn… Nơi đó, có những đêm lấy nước dưới trăng cùng cha, phơi lúa cùng ông bà nội, đạp xe ba gác cùng thầy giáo, thả bè trôi sông hay hái trộm ổi cùng đám bạn tinh nghịch… Như Thầy chia sẻ, nhờ trời ban cho một trái tim nhạy cảm nên dù đang ở tuổi vui chơi nhưng Thầy đã có thể thấy được nhiều góc cạnh của đời sống, cũng như nhìn ra nỗi lòng sâu kín của những người thương xung quanh mình. Và dù nhìn đời bằng con mắt trong trẻo của trẻ thơ, bé Lê Quốc Triều đã sớm có những thắc mắc, suy tư về bản chất của đời sống:
“sao hỏi về cái chết
ai ai cũng lắc đầu
ngày qua ngày cũng hết
đời chẳng được dài lâu?
sao người ta thích sống
mà không sống thật sâu
buông hoài câu hối tiếc
có đổi được gì đâu?”
(trích bài thơ Thắc Mắc – Rung Cảm Đầu Đời)
Tố chất của một người dẫn đường trong Thầy đã được thể hiện từ rất sớm ngay từ trong học đường. Thầy luôn xuất sắc trong tất cả môn học và được các thầy cô tín nhiệm giao làm lớp trưởng suốt 11 năm học. Dù vậy, những câu hỏi về nhân sinh ngày càng lớn trong Thầy và những kiến thức thế gian không thể giải đáp thỏa mãn cho Thầy về con đường phía trước. Cuối cùng, tiếp nối cơ duyên của người chị, Thầy quyết định chọn con đường xuất gia để đi tìm mục đích sống đích thực của đời mình khi đang ở tuổi 17.
Xuất gia là một quyết định rất can đảm và dĩ nhiên, Thầy đã vấp phải sự phản đối không chỉ gia đình mà của cả dòng họ. Sự dũng cảm không chỉ bởi vì Thầy vượt qua chính mình để buông bỏ mọi thứ ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, mà Thầy còn phải vượt qua định kiến rất lớn của xã hội đối với một người xuất gia. Bởi lẽ, vào thời điểm đó, người ta vẫn thường nghĩ rằng một người chọn lối sống tu hành chỉ vì thất tình hoặc gặp thất bại trong cuộc sống. Dù vậy, hùng tâm tráng chí của Thầy vẫn không thay đổi, Thầy chỉ biết nhất hướng đi về phía mặt trời và không quay đầu lại để không bị níu kéo bởi sợi dây tình cảm. Như những câu thơ của Thâm Tâm mà Thầy đã rất đồng cảm:
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.”
(Tống Biệt Hành – Thâm Tâm)
Xuất gia
Được sự giới thiệu của sư bà Thích Nữ Như Ngộ tại chùa Thiên Phước (Long An), Thầy chính thức thọ giới xuất gia với hòa thượng Thích Minh Thông tại Phật học viện Huệ Nghiêm. Tại đây, Thầy có cơ hội nghiên cứu sâu về Giới luật cũng như các tư tưởng của Phật giáo Đại thừa.
Chỉ sau ba tháng, gia đình đã hiểu được và hoan hỷ chấp nhận hướng đi của Thầy. Không chỉ vậy, giờ đây Thầy đã trở thành điểm nương tựa vững chắc về tinh thần cho cha mẹ và cả gia đình.
Biến cố
Sau bảy năm tu học tại Phật học viện, những tưởng Thầy đã tìm ra con đường lý tưởng của đời mình. Ngờ đâu, biến cố ập đến khi song thân của Thầy qua đời trong một tai nạn. Như Thầy từng chia sẻ, đây là quãng thời gian khó khăn nhất bởi vì Thầy không chỉ mất đi hai đấng sinh thành mà còn mất cả lý tưởng mà Thầy đã theo đuổi. Thầy nhận ra con đường mà mình đang đi không thể giúp Thầy đương đầu với giông bão đang bủa vây.
Trong cơn thất vọng cùng cực, Thầy tìm đến một tịnh thất tại Bảo Lộc để trốn tránh thực tại. Thầy đã ngủ vùi suốt trên căn gác từ ngày này qua ngày khác đến mức “không còn biết ngoài kia là ngày hay đêm”, “không còn phân biệt được đâu là mộng và thực”. Thầy kể, “suốt một tháng, tôi đã để cho mình rơi tự do, để xem tận đáy của khổ đau là gì”…
Bỗng một buổi sáng, khi vẫn còn đang cuộn mình trong chăn, Thầy bỗng nghe được âm thanh diệu kỳ vọng vào từ bên ngoài khung cửa sổ. Thầy lần mò ngồi dậy, rướn người nhìn ra cửa sổ và thấy một cảnh tượng tuyệt mỹ của thiên nhiên: một con chim mẹ đang dạy cho bốn con chim non hót và chuyền cành. Thầy bỗng bừng tỉnh như người từ cõi mộng trở về thực tại. Hình ảnh những chú chim non chuyền cành đã truyền cảm hứng để Thầy quyết định rời khỏi căn gác và đặt những bước chân tiếp xúc trọn vẹn trên mặt đất. Càng đi, Thầy lại càng tỉnh ra và càng kết nối sâu hơn với vạn vật xung quanh. Suốt nhiều ngày sau, Thầy đi một cách hồn nhiên như đứa trẻ, đi say mê đến quên cả ngày đêm, như thể được đi trên mặt đất là một phép lạ. Thầy gọi đó là “bước chân huyền thoại” – bước chân đã giúp Thầy hồi sinh.
Trở về Phật học viện, Thầy âm thầm duy trì sự thiền tập của mình bởi vì giờ đây, Thầy đã tìm thấy được cốt tủy của đạo Phật. Lý tưởng về con đường giải thoát của Thầy càng được vun bồi, củng cố mạnh mẽ hơn.
"Con đã có đường đi"
Năm 2001, Thầy rời khỏi Phật học viện Huệ Nghiêm sang Tu viện Làng Mai (Pháp) để thọ giáo với thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy kể lại, ngay ngày đầu tiên bước vào thiền đường, Thầy đã bị chấn động tâm thức bởi một câu thư pháp được treo trên tường: “Con đã có đường đi”. Câu thư pháp với nội dung tuy ngắn gọn nhưng đã gọi đúng tên những trăn trở, khúc mắc theo Thầy suốt nhiều năm và cả những cảm xúc vỡ òa mà Thầy đã trải qua. Và ngay lúc này, tại đây, Thầy đã có con đường – một con đường hiển hiện trước mắt.
Tìm về Vipassana
Sau ba năm tu học tại Làng Mai, Thầy đã nắm vững phương pháp thực hành chánh niệm, vốn là trái tim của thiền tập. Tuy nhiên, Thầy vẫn cảm thấy còn thứ gì đó ở xa hơn nữa cần phải khám phá thêm. Vậy là, Thầy quyết định rời Làng Mai để tiếp tục cuộc hành trình cầu pháp của mình.
Sau khi trở về Việt Nam thăm gia đình, Thầy tiếp tục đến một vùng đất mới: đảo Hawaii (Mỹ). Tại đây, Thầy xin được tu học và phụng sự trong các thiền viện của người Miến Điện. Cũng tại nơi này, Thầy được dịp hạnh ngộ cố thiền sư Sao Tejaniya. Tuy chỉ có ba tháng tu học ngắn ngủi nhưng Thầy đã được thiền sư khai thị về bản chất của thiền và được tiếp cận với phương pháp quán tâm, vốn là một trong bốn lĩnh vực quan trọng của Tứ Niệm Xứ mà Đức Phật đã dạy. Thầy hạnh phúc vô cùng vì cuối cùng đã tìm được pháp môn phù hợp với mình nhất – Vipassana – phương pháp thiền cổ xưa của Đức Phật đã được các thiền sư Miến Điện gìn giữ và phát triển suốt 25 thế kỷ. Khi đó, Thầy nhận ra rằng pháp đã có sẵn ở muôn nơi và Thầy hoàn toàn tự tại trong hành trình sau này của cuộc đời mình.
Sau khi thọ pháp từ thiền sư, Thầy giã biệt để rút về ẩn tu suốt ba năm để thực tập chuyên sâu quán sát tâm, nhận diện và xử lý những phiền não của mình.
Dấu ấn pháp môn
Sau ba năm ẩn tu và tìm ra được những bí quyết của riêng mình, Thầy quyết định đem những hoa trái tu tập chia sẻ với mọi người, cũng là để kiểm chứng công phu vừa đạt được.
Thầy đến vùng Đông Bắc nước Mỹ để xin phụng sự tại các trung tâm thiền. Tại đây, Thầy có cơ hội thực tập hướng dẫn thiền cho đại chúng theo cách thức mới. Thầy kết hợp thiền chánh niệm vào tâm lý trị liệu nhằm giải quyết những vấn đề nan giải liên quan đến sức khoẻ tâm thần của con người thời đại này. Thầy truyền đạt pháp môn bằng ngôn ngữ giản dị, không mang màu sắc học thuật và tôn giáo, nên đã giúp cho đa số đại chúng, dù thuộc thành phần nào, tôn giáo nào cũng có thể tiếp nhận một cách dễ dàng. Cũng trong thời gian này, Thầy bắt đầu viết các bài viết ngắn, chủ yếu dành cho các thiền sinh trong các khóa thiền để họ có thể nhận diện và thực tập khả năng quán sát tâm trong đời sống hằng ngày. Những bài viết với ngôn từ giản dị này, đã như một luồng gió mới, thổi từng câu chữ đi sâu vào tận tâm can nhiều người, khiến cho ai đọc cũng có cảm giác giật mình, như được viết cho chính họ vậy.
Hiểu về trái tim
Năm 2010, Thầy cho ra mắt sách Hiểu Về Trái Tim, vốn là tuyển tập các bài viết ngắn trong các khóa thiền đã được đại chúng yêu thích trước đó. Quyển sách được đông đảo bạn đọc đón nhận và được bình chọn là quyển sách được yêu thích nhất năm 2013 (do Fahasa tổ chức) và vẫn luôn là quyển sách bán chạy cho đến nay.
Hành trình tu bụi
Sự nổi tiếng do quyển sách Hiểu Về Trái Tim mang lại khiến cho Thầy có cảm giác lạ lẫm, nhất là đối với một người xuất gia. Thầy quyết định thoát khỏi vùng an toàn của mình, bỏ lại sau lưng danh tiếng vừa chớm nở để bắt đầu hành trình tu bụi trên khắp nước Mỹ, đến những vùng đất mà không ai biết Thầy là ai. Nơi đó, Thầy có thể thoát khỏi những giới hạn cũ kỹ, có thể rũ bỏ những cái vai thường nhật để được là chính mình.
Trong suốt thời gian ba năm đi bộ qua 25 tiểu bang, Thầy chủ yếu sống một mình ở vùng hoang dã hoặc xin phục vụ trong các nông trại hữu cơ. Thầy đã trải qua sáu lần suýt mất mạng khi gặp thú dữ hoặc điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thầy kể lại, những lần trải nghiệm này đều là những cơ hội quý giá để Thầy có thể phát hiện được những nỗi sợ nằm sâu kín bên trong mình. Việc nhiều lần đối mặt tử thần và vượt qua nỗi sợ chết – vốn là nỗi sợ lớn nhất của con người – đã khiến cho Thầy không còn sợ bất cứ điều gì trên đời nữa.
Hành trình này không chỉ có khó khăn mà nó còn cho Thầy nhiều trải nghiệm quý giá. Đó là quãng thời gian Thầy sống chung với cộng đồng Amish – một bộ tộc ở Đức di cư đến Mỹ vào thế kỷ 18 và vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt truyền thống. Người Amish từ chối những tiện nghi của thế giới hiện đại mang lại như ô-tô, thiết bị điện tử, Internet… để có thể sống thuận tự nhiên và kết nối sâu sắc với nhau. Hơn hết, họ đề cao sự chân thành trong thang giá trị của con người.
Sau này, khi về Việt Nam, không ít lần Thầy chia sẻ trước đại chúng câu chuyện này trong các buổi pháp thoại và kể về một giấc mơ lớn: xây dựng một cộng đồng sống chan hòa, thiện lành giống như người Amish ngay trên đất nước mình.
Trở về
Dù đã sống 10 năm tại Mỹ, nhưng Thầy vẫn nhận ra rằng, trái tim của Thầy vẫn luôn hướng về Việt Nam, cũng như đại chúng tại quê nhà. Năm 2014, Thầy chính thức trở về quê hương.
Ngay từ những ngày đầu về nước, Thầy đã bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ lớn của mình. Thầy tổ chức các khóa thiền và hướng dẫn mọi người thực tập thiền Vipassana, vẫn bằng cách truyền đạt dễ hiểu, phương pháp này đã tiếp cận được dễ dàng đối tượng là những người trẻ. Chủ đề của Thầy không phải là những giáo lý cao siêu mà xoay quanh các mối quan hệ đời thường như tình yêu, vợ chồng, cha mẹ và con cái… để giúp hàn gắn những đứt gãy, chữa lành những vết thương trong mối quan hệ tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, Thầy còn dành sự quan tâm rất lớn cho những người có khó khăn về tâm lý, đồng thời tìm ra nhiều phương cách, tạo dựng môi trường lý tưởng để giúp chữa lành cho họ.
Suốt 10 năm ròng rã không mệt mỏi, dù cho không ít lần đối mặt khó khăn, nhiệt huyết của Thầy chưa bao giờ cạn. Giờ đây, Thầy đã được đông đảo mọi người biết đến như một vị thiền sư chuyên về chữa lành tâm lý. Không dừng ở đó, Thầy còn liên tục xây dựng các chương trình đào tạo thế hệ kế thừa, tạo ra môi trường lý tưởng để nhiều người có cơ hội quay về thực tập nếp sống tỉnh thức.
Như lời ca nổi tiếng trong bài hát Imagine của John Lennon:
“You may say I’m a dreamer
But I’m not the only one
I hope someday you will join us
And the world will be as one”
Giờ đây, Thầy không còn đơn độc trong Giấc Mơ Lớn nữa, mà đã có rất nhiều người dám ước mơ và đồng hành cùng Thầy trên bước đường xây dựng nên một hệ sinh thái Thật – Lành – Đẹp.