top of page

Bước chuyển mình mới trong văn hóa Việt Nam (P2)

Trong chương trình Câu chuyện Phụ nữ tuần trước, chúng ta đã cùng được biết đến tổ chức Yêu Động Vật với sự sáng lập của cô gái Vi Thảo Nguyên cùng ba người bạn khác. Qua lời kể của Thảo Nguyên, tưởng chừng như việc đưa tổ chức Yêu Động Vật từ con số bốn thành viên lên hơn 100.000 thành viên đơn thuần là một sự may mắn và vì có nhiều người có chung suy nghĩ với các bạn, nhưng thực tế thì lại không đơn giản như vậy. Xin mời quý vị cùng theo dõi cuộc trò chuyện mà Thảo Nguyên dành riêng cho VOA Tiếng Việt để tìm hiểu xem sự không đơn giản kia là gì.


VOA: Qua những điều mà chị chia sẻ lúc trước thì quả thực YDV đã thật may mắn vì nhận được sự giúp đỡ của người đỡ đầu là ông Robert. Tuy nhiên khó khăn, trở ngại, thách thức thì ít nhiều chắc cũng sẽ phải có. Vậy YDV có gặp những khó khăn nào không, và nếu có thì xin chị chia sẻ rõ hơn về những khó khăn này được không ạ?


Vi Thảo Nguyên: Khó khăn thì thực ra gặp từ đầu đến giờ vẫn còn khó khăn, nó không bao giờ hết đi. Cái này vừa đỡ đỡ, qua rồi, thì lại xuất hiện một khó khăn khác. Thật ra Nguyên nhận thấy khó khăn xuất hiện tùy theo từng giai đoạn.


Chẳng hạn giai đoạn mới thành lập, thì tụi Nguyên vấp phải khó khăn từ những người mà người ta chưa hiểu hoạt động của mình. Thứ nhất họ nói là ‘rảnh rỗi quá, làm những việc tào lao, bao đồng không’ hay như ‘người thì không cứu, đi lo cho mấy con chó con mèo.’ Thì đó là những khó khăn về tinh thần rất nặng nề. Mình vừa cảm thấy thoái chí, mà vừa cảm thấy ‘sao kỳ quá, cái việc đơn giản, dễ hiểu như vậy mà sao người ta lại không hiểu, mà người ta lúc nào cũng hỏi cái câu như vậy hết. Sao họ không đi tìm câu trả lời mà cứ chất vấn mình cái kiểu như vậy hoài…thì lúc đầu cũng bực mình lắm. Rồi sau khi mình vượt qua được giai đoạn đó, mình nghĩ là thôi kệ đi, người ta nghĩ làm sao, nhưng mình cứ làm những việc mà mình cho là đúng, thì đến một lúc nào đó họ sẽ nhìn vào và không còn nói nữa. Họ nói hoài họ cũng mệt thôi và không còn nói nữa. Thì đúng quả thật như vậy. Qua được khoảng thời gian, tự dưng cảm thấy bớt đi rất nhiều những lời nói như vậy. Tại vì sau này gặp được thêm rất nhiều bạn nữa, những bạn thành viên, tình nguyện viên, người ta chung tay với mình. Bây giờ có rất nhiều người khác cùng lên tiếng nói với mình thì mình không cần phải nói nữa. Đâu đó người ta đứng ngoài quan sát và thấy là ‘à, bọn này nói mà nó làm thật, mà còn có hiệu quả thật, chứ không phải nói chơi.’


VOA: Vậy qua được giai đoạn mới thành lập đó thì YDV đã phải đối mặt tiếp với những cản trở nào thưa chị?


Vi Thảo Nguyên: Tụi mình đặt ra (những tiêu chuẩn) để hướng tới thôi, nhưng cuối cùng lại gặp phải những người lên án tụi mình là ‘coi con chó mèo còn hơn cả con người nữa.’ Tức là ‘cho ăn sang, rồi số tiền đưa chó mèo đi thú y thì đem cho người nghèo đi thì hợp lý hơn.’ Thì rõ ràng đó cũng là một khó khăn.


Đến bây giờ vẫn còn nhiều người không đồng tình với việc triệt sản. Họ cho rằng, các bạn nói yêu thương động vật nhưng các bạn lại đi triệt sản con chó, con mèo, tức là các bạn đang làm một điều trái với tự nhiên, xâm phạm vào quyền tự do của con chó con mèo, như vậy là cái bọn đạo đức giả. Người ta lên án bằng mọi cách, cả việc triệt sản như vậy. Thì rõ ràng, họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu. Bởi vì khi họ nuôi con chó con mèo và để con chó con mèo sinh sôi nảy nở rất nhiều. Một năm con chó có thể sinh sản tới ba lứa, con mèo sinh sản tới bốn, năm lứa mà mỗi lứa như vậy có từ năm tới bảy con mèo, thì số lượng chó mèo đó ai nuôi. Khi họ không nuôi được thì họ lại thẳng tay vứt ra ngoài đường. Khi họ thẳng tay vứt ra ngoài đường thì họ không thấy gì cả, mà khi mình kêu gọi triệt sản đi để đừng để những cảnh như vậy xảy ra nữa, và nó cũng để tốt cho sức khỏe con chó con mèo. Các bác sĩ trên toàn thế giới đang phát triển và đã phát triển đều kêu gọi triệt sản chó mèo và họ đều có những chiến dịch triệt sản chó mèo hết. Chỉ ở nước Việt Nam mình, chẳng hiểu sao người ta lại có cái nhìn rất lệch lạc về triệt sản chó mèo. Họ nói triệt sản chó mèo là ác nhưng mà họ lại vứt một con mèo mới vừa sinh ra chưa rụng dây rốn đã vứt ra ngoài. Nó không có mẹ là nó chết khô luôn. Rồi một con mèo mới đi lẫm cha lẫm chẫm, chưa kịp bú hết sữa mẹ cũng bị vứt ra ngoài.


Một con chó khi nuôi lúc nó còn đẹp, xong đến lúc già, bệnh tật, nằm liệt, không đi được nữa. Rồi đi tiểu, vệ sinh không kiểm soát được, cũng bị vứt ra ngoài đường.


Thì đó, rõ ràng như vậy là họ chưa có nhìn ra được vai trò của việc triệt sản. Thì bây giờ tụi Nguyên vẫn chấp nhận một số cái rào cản đó và vẫn làm những việc mình cảm thấy mình cần làm.


Mình vẫn kêu gọi triệt sản và tổ chức những chương trình triệt sản như vậy thì dần dần người ta sẽ phải nhận ra thôi. Tụi Nguyên tin là như vậy.

Thảo Nguyên và một thành viên của YDV tại Hà Nội


VOA: Tỉ lệ thành công và thất bại trong việc tìm kiếm chủ nhân mới cho các chú chó chú mèo là như thế nào thưa chị?


Vi Thảo Nguyên: Thì thực ra tụi Nguyên không có tỉ lệ rõ ràng bởi vì nó khó khăn một cái như vậy. Nguyên khẳng định luôn việc cứu một con chó con mèo rất dễ, rất rất dễ. Với tình trạng hiện tại của tụi Nguyên là YDV được sự hỗ trợ của rất rất nhiều các thành viên và các bạn tình nguyện viên thì việc cứu một con chó con mèo là điều rất dễ không có gì khó cả. Mình có chỗ ở, có con người để có thể thay phiên nhau làm việc đó cho nên việc đó trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng nó lại bị kẹt ở cái khúc là tìm nhà lại cho con vật đó. Thì đó là một công đoạn cực kỳ khó khăn. Khi mang một con chó con mèo về thì rõ ràng là mình đã cứu nó từ ngoài đường và mình cho nó một cơ hội thứ hai – đó là về được với mình. Nhưng mà mình không thể giữ mà nuôi hết được. Nếu mà cứ giữ hoài thì không thể cứu được thêm những con mới.


Có những người chủ ý xin chó về để làm thịt. Có những người chủ ý xin mèo về là để bán lại cho các lò tiểu hổ. Thì vấn đề bây giờ là làm sao mình tìm được một người chủ tốt và phù hợp với con chó con mèo đó thì thực sự đó là một quá trình rất cân não. Phải trải qua quãng thời gian nói chuyện với chủ nuôi, tiếp xúc với họ, nói chuyện với họ và vận dụng trực giác rất là cao để có thể phán đoán được hay tìm hiểu được là à, cuộc sống của họ như vậy…, thì họ có phù hợp nuôi một con chó, con mèo hay không. Những con chó con mèo trước đó mà họ nuôi có già có chết hay là nó bị bắt, hay là nuôi già xong họ bỏ v..v… Mình phải đi tìm hiểu tất cả khía cạnh có liên quan.


Có những người rất tự tin, nói là ‘không có đâu, tôi sẽ tìm được người chủ đàng hoàng cho nó, toàn người quen không à.’ Ngoại trừ trường hợp anh tự tay anh nuôi nó thì anh mới có thể đảm bảo được, đảm bảo được phần anh thôi, anh không thể đảm bảo được phần của người khác. Anh đưa con chó con mèo qua tay một người khác tức là số phận nó đã lọt vào người khác rồi, anh làm sao có thể đảm bảo giùm người ta được. Nếu mà anh trực tiếp đảm bảo có thể nuôi được nó lâu dài thì hãy nuôi, và hãy để cho nó sinh sản, còn nếu không, thì đừng.


VOA: Chị và các bạn làm gì với những chú chó chú mèo không tìm được chủ nhân mới chăm sóc?


Vi Thảo Nguyên: Thường thì những con chó con mèo mà tụi Nguyên gọi là ‘unadoptable’ tức là không thể nào có người nuôi luôn, thì tụi Nguyên sẽ quyết định giữ lại. Nó sẽ có trong các nhóm sau đây. Chó mà khi bỏ rồi thì là chó già. Nó không những già mà nó còn liệt nữa. Thật ra chăm sóc một con chó bị liệt, bị già, tiểu tiện không kiểm soát được thì thật ra rất là khó, cần một người chủ toàn tâm toàn ý với nó luôn. Người ta có thể nuôi một con chó từ nhỏ. Khi đến già nó như vậy và người ta chăm sóc được thì cái đó đã tốt lắm rồi. Còn nhận một con chó nó lạ huơ lạ hoắc mà nó đã già rồi và trong tình trạng đó rồi, mà nhận nó về. Nếu mà có những người chủ như thế thì rõ ràng là đó là những người thực sự rất tốt, rất quý, rất hiếm luôn. Nhưng đáng tiếc là tụi Nguyên không gặp được nhiều, cũng có nhưng rất khó tìm. Thì đó là những con chó bị liệt, bị mù, bị già, tiểu tiện không kiểm soát được, những con mèo bị sinh bầm huyết, bầm huyết cũng sẽ dẫn đến liệt, cũng mù. Thông thường người ta chỉ thích nuôi mèo con thôi. Tại vì mèo thì khó dạy hơn chó. Khi mà một con mèo đã lớn mà chủ quyết định sang tay cho một người khác thì số phận con mèo đó rất rất đáng thương. Con mèo khó hòa nhập hơn con chó nhiều. Con chó mà 5,6 tuổi đi chăng nữa thì nó vẫn có khả năng tìm được một người chủ mới. Nó hòa hợp lại khá là nhanh. Nhưng con mèo thì thật sự mà nói là nó rất là khó thuần. Con mèo không nghe lời như là con chó. Nó có đặc tính hoàn toàn khác mà buộc lòng người chủ phải thích ứng với con mèo chứ không thể mong muốn là con mèo thích ứng với mình. Chỉ có những người thật sự có tấm lòng bao la dữ lắm. Họ phải rất thương số phận con mèo đó thì họ mới dang tay với nó.


Thì đối với con chó con mèo nào mà không có người để mắt tới luôn. Tìm hoài mà vẫn bị chê vì lý do này lý do kia thì tụi Nguyên quyết định giữ lại. Hiện tại tụi Nguyên có một chỗ riêng để cho tụi nó ở. Cái chỗ này tụi Nguyên đặt tên là Restored Hope Foster Home. Đây là ngôi nhà mà tụi Nguyên để những con chó con mèo có thể mãi mãi không tìm được chủ.

Ông Robert (giữa) và Thảo Nguyên (thứ hai từ phải qua)


VOA: Vậy ngôi nhà này hoạt động như thế nào thưa chị?


Vi Thảo Nguyên: Ngôi nhà này cũng là do ông Robert ở tổ chức Kairos Coalition vận động các mối quan hệ của ông mà tài trợ cho tụi Nguyên tiền thuê nhà. Tụi Nguyên cũng thuê nhà hàng tháng thôi. Bắt đầu từ lúc mà tụi Nguyên hoạt động một năm rưỡi, khúc ở giữa, thì ông tài trợ. Tụi Nguyện hiện tại đang có khoảng 50 con mèo lớn. Ở đây nhấn mạnh là vì mèo đã lớn nên rất khó tìm nhà. Mình không thể nào biết được người ta xin con mèo lớn đó với mục đích gì. Thông thường người ta chỉ xin mèo nhỏ thôi. Những con mèo lớn là những con mèo được xếp vào nhóm ‘nguy hiểm’ khi tìm nhà. Cho nên phần lớn là tụi mình sẽ giữ lại là những con mèo lớn. Có con bệnh, có con thì cũng may mắn là khỏe. Cũng có khoảng hơn 10 con chó ở đó. Đa số là những con chó già. Có con bị bỏ, chủ bỏ ngoài đường tới những tám năm. Nó ở trong tình trạng tám năm vô chủ. Nó chỉ lay lắt ở dưới gầm cầu, kiếm ăn trong bãi rác. Nó sống qua ngày như vậy và nó bị chấn động thần kinh rất nặng. Khi mà các bạn tình nguyện viên cứu nó về thì nó rất khó hòa nhập lại với một gia đình mới. Cái việc đó cũng gây khó khăn cho chủ nuôi. Đến giờ vẫn chưa tìm được nhà cho nó.


Ngoài ra còn có những con chó rơi vào trường hợp tương tự. Đặc biệt là những con chó bị viêm da nặng. Viêm da ở chó là những trường hợp hết sức dai dẳng. Chủ thấy nó xấu xí, lở loét, thương tật này nọ thì chủ bỏ. Khi YDV đón về thì YDV mất ít nhất từ hai tới ba tháng để chữa lành cho một con chó bị viêm da để nó lành lặn, mọc lông trở lại. Khi nó đẹp trở lại thì nó vẫn có được xác suất tìm được chủ nuôi. Nhưng mà khổ một cái là cái bệnh viêm da nó lại là cái bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Tức là nó sẽ có nguy cơ bị tái bệnh bất kỳ lúc nào. Thế là buộc lòng người chủ nuôi phải chăm sóc nó rất kỹ và bản thân họ phải theo một chế độ ăn kiêng dành cho con chó. Chẳng hạn nó đã bị viêm da thì không cho nó ăn thịt bò, thịt gà, mà phải theo chế độ dành riêng cho con chó bị viêm da. Chỉ cần người chủ lơ là một chút thôi là nó sẽ bị tái lại. Và khi tái lại thì bản thân họ cũng có chút tâm, có lòng, cố gắng họ theo, chữa trị cho nó. Nhưng mà nhiều khi họ cũng chịu không nổi thế là họ lại xin lỗi trả lại và YDV phải nhận lại. Hoặc là có những trường hợp họ vẫn nuôi nhưng họ lại kêu gọi YDV hỗ trợ chi phí để điều trị cho con chó đó bởi vì họ không có khả năng.


VOA: Xin cám ơn chị rất nhiều về cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Chúc chị và YDV sẽ ngày càng thành công hơn trong những dự án của mình và sẽ ngày có nhiều thêm những con chó con mèo và những con vật khác được cứu nữa.


Recent Posts

See All

Comments


bottom of page