TTO – Mấy ngày qua, nhiều người dùng trên các trang mạng xã hội đồng loạt chia sẻ một video clip, trong đó thái tử Charles và hoàng tử William cùng truyền đi thông điệp “hãy cứu lấy động vật hoang dã quý hiếm” được thu âm bằng sáu thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
Một con voi trưởng thành bị sát hại để lấy ngà tại vườn quốc gia Yok Đôn tháng 8-2012 – Ảnh: Tuổi Trẻ
Chúng ta không còn lạ gì với những biển báo được viết bằng tiếng Việt ở xứ người với nội dung khuyến cáo người Việt “không được ăn cắp”, “chỉ lấy thức ăn vừa đủ”, “không được trốn vé tàu điện”… Tất nhiên họ dùng tiếng Việt hẳn có lý do, lý do đó có lẽ mọi người đều biết, và nếu là một người Việt có lòng tự trọng, bạn sẽ cảm thấy hổ thẹn về điều đó.
Thế nên một lần nữa, khi thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã từ thái tử Charles và hoàng tử William được truyền đi, bằng tiếng Việt, chúng ta buộc phải suy nghĩ về điều đó.
Chưa khi nào các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới… lại nhắc đến Việt Nam vì nạn săn bắn trái phép và tiêu thụ động vật hoang dã nhiều như lúc này. Một số tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới tiến hành những chiến dịch kêu gọi hoặc tuyên bố sẽ “không bao giờ đặt chân đến Việt Nam” vì Việt Nam là lòng chảo tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi, mật gấu và tất nhiên là cả thịt thú rừng. Một số tổ chức bảo vệ động vật hoang dã còn thể hiện sự tức giận của họ đối với Việt Nam khi cho đăng hình một chú tê giác bị đục lấy sừng dã man, nằm chết trông thật đau lòng cùng sự lên án gay gắt của cộng đồng thế giới.
Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn và can đảm đối diện với thực tế này, rằng hình ảnh của chúng ta đã bị nhàu nhò như thế nào trong mắt bạn bè thế giới? Và thật sự chúng ta có còn kiêu hãnh hay tự hào mình là người Việt Nam (như trước kia)?
Tự hào dân tộc không thể hiện ở việc bạn tuyên bố “Tôi tự hào là người Việt Nam”, mà nó cần được thể hiện ở việc chung tay gìn giữ hình ảnh của người Việt, từ những việc nhỏ như cách ứng xử có văn hóa, hay lớn hơn là thể hiện đất nước chúng ta không đi lùi lại so với nền văn minh đang phát triển của cả nhân loại.
Hãy nhìn lại sự việc vừa mới xảy ra, cả thế giới – trong đó có rất nhiều người Việt Nam – chỉ trích và lên án Đan Mạch khi sở thú ở Copenhagen giết chết chú hươu cao cổ Maurius một cách dã man trong khi đa phần người dân ở nước này vẫn lên tiếng bênh vực hành động đó.
Rõ ràng, hình ảnh của một quốc gia hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hành động của một cá nhân hay một nhóm người, nhất là hành động đó đi ngược lại với sự phát triển chung của đạo đức con người. Thế nên hãy dừng việc tuyên bố “Tôi tự hào là người Việt Nam”, thay vào đó, hãy cùng đoàn kết và nói “không” với các sản phẩm từ động vật hoang dã, đó mới thật là một hành động thực tế thể hiện lòng tự hào dân tộc.
VI THẢO NGUYÊN (Đồng sáng lập Hội Yêu Động Vật Việt Nam)
40 nước ký tuyên bố chung bảo vệ động vật hoang dã
Hơn 40 quốc gia trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và các nước châu Phi cùng ký bản tuyên bố chung chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép tại hội nghị thượng đỉnh về buôn bán động vật hoang dã trái phép tổ chức tại thủ đô London (Anh) ngày 13-2.
Theo AFP, bản tuyên bố này thúc giục các bên liên quan thực thi những biện pháp thực tế để kết thúc nạn buôn bán trái phép sừng tê giác, các bộ phận hổ, ngà voi – một ngành kinh doanh trái phép trị giá 19 tỉ USD mỗi năm.
Các quốc gia châu Phi gồm Chad, Gabon, Tanzania, Ethiopia và Botswana thông báo họ có kế hoạch riêng để bảo vệ loài voi. Theo số liệu của những tổ chức bảo vệ động vật, có khoảng 25.000 con voi bị sát hại mỗi năm.
Ngoại trưởng Anh William Hague đánh giá cao sự tham gia của Trung Quốc và Việt Nam – hai quốc gia mà ông cho rằng tiêu thụ nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã.
Σχόλια